Mã hóa đơn:
Địa chỉ E-mail:
Nhập
 chữ vào khung bên dưới. Nếu hình không thấy rõ, xin vui lòng nhấn vào hình để đổi hình khác.
 
 
Bí Quyết Xuống Cân Tiêu Mỡ Trong Bệnh Mập Phì
Bí Quyết Xuống Cân Tiêu Mỡ Trong Bệnh Mập Phì
Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung

Bệnh mập phì (obesity) được định nghĩa khi sức nặng của thân người nặng hơn 20% so với sức nặng tiêu chuẩn được tính theo chiều cao và sức nặng của một người bình thường. Tỷ dụ một người cao 5 feet (1,52 mét) nặng từ 102 đến 118 pounds là đúng tiêu chuẩn. Nhưng nếu người có chiều cao này mà nặng hơn 142 pounds thì coi như người này bị bệnh mập phì.

  Bảng đối chiếu chiều cao với cân nặng đúng tiêu chuẩn
và cân nặng của người bệnh mập phì
 
  CHIỀU CAO CÂN NẶNG
TIÊU CHUẨN *

tính theo pound
CÂN NẶNG CỦA
NGƯỜI MẬP PHÌ
 
  58 inches / 1,47 mét 96-110 132  
  59 inches / 1,50 mét 99-114 137  
  60 inches / 1,52 mét 102-118 142  
  61 inches / 1,55 mét 106-122 146  
  62 inches / 1,57 mét 109-126 151  
  63 inches / 1,60 mét 113-130 156  
  64 inches / 1,62 mét 116-134 161  
  65 inches / 1,65 mét 120-138 166  
  66 inches / 1,68 mét 124-142 170  
  67 inches / 1,70 mét 127-146 175  
  * Cân nặng tiêu chuẩn có thể xê xích vài ba pound tùy theo vóc dáng, xương to, xương nhỏ.
– Từ cân nặng tiêu chuẩn tới mập phì: có thể dư cân, hơi mập tới mập nhiều.
 

Năng lượng là yếu tố quan trọng nhất có thể làm cho chúng ta mập ra hay gầy đi. Khi năng lượng từ thức ăn ăn vào nhiều hơn năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động của cơ thể thì người ta mập ra; ngược lại khi năng lượng từ thức ăn ăn vào ít hơn năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động của cơ thể thì người ta gầy đi.

Trong dinh dưỡng, Calori (chữ C viết hoa) được hiểu là kilo-calori, là năng lượng cần thiết để đưa 1 lít nước tăng lên 1 độ bách phân (1o C). Thực phẩm mà ta ăn uống hàng ngày có 3 nhóm chất sinh năng lượng là bột đường (carbohydrate), chất béo (fat) và chất đạm (protein). Các nhóm chất khác như chất xơ (fibers), chất khoáng (minerals) và sinh tố (vitamins)… không có năng lượng.

Khi ăn vào cơ thể, mức độ sinh năng lượng của các loại thực phẩm rất khác nhau, tùy theo thực phẩm đó có chứa nhiều hay ít chất béo, bột đường hay chất đạm. Mức độ sinh năng lượng của 3 nhóm chất này như sau:

  • 1 gram bột đường cho 4,1 Calori.
  • 1 gram chất đạm cho 4,1 Calori.
  • 1 gram chất béo cho 9,1 Calori.

Như vậy năng lượng do chất béo sinh ra cao gấp hơn 2 lần chất đạm hay bột đường. Thức ăn có chất béo sinh ra nhiều năng lượng là: dầu, mỡ, bơ, thịt mỡ, thức ăn chiên rán (chẳng hạn như khoai tây, cá thật sự không nhiều năng lượng lắm nhưng sau khi chiên, chúng hút 40% dầu mỡ nên rất nhiều Calori). Một thức ăn tuy không nhiều năng lượng, như cơm chẳng hạn, chỉ có 138 Calori/100 grams nhưng nếu ta ăn nhiều chén mỗi bữa và nhiều bữa mỗi ngày thì cũng cung cấp năng lượng không kém chất béo.

Khi ta ăn vào thì các chất sinh năng lượng, nhất là chất béo và bột đường dư thừa sẽ được dự trữ lại trong cơ thể. Khi ta vận động thì năng lượng từ thức ăn được đốt cháy cho ra năng lượng tạo thành cơ lực và sinh nhiệt nên cơ thể nóng lên và tiêu hao dần năng lượng từ thức ăn. Cả khi ta nghỉ ngơi, cơ thể cũng tiêu hao năng lượng, nhưng ít hơn nhiều so với khi chúng ta vận động. Phải có năng lượng thì tim mới đập, máu mới lưu thông trong cơ thể, giữ thân nhiệt ở 37o C và duy trì các chức năng cần thiết khác hoạt động điều hòa. Nếu chúng ta hoạt động hay trời lạnh, nhu cầu của cơ thể về năng lượng sẽ tăng. Tóm lại, trong tất cả các trường hợp, chúng ta cần năng lượng và việc ăn uống là để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng nếu chúng ta ăn nhiều hơn là nhu cầu cơ thể cần thiết thì thực phẩm dư thừa, nhất là chất béo và chất ngọt, sẽ được dự trữ phần lớn dưới dạng mỡ.

Năng lượng được dự trữ trong cơ thể dưới 2 dạng:

  1. Mỡ (fat) dưới da và bao quanh các tạng phủ.
  2. Glycogen ở gan và bắp thịt, do dư chất đường glucose trong máu.

Năng lượng dự trữ như vậy ai cũng có, nhưng kẻ ít người nhiều, tùy theo tuổi tác, phái tính, nghề nghiệp và chế độ ăn uống, vận động thể dục… Người mập thì năng lượng dự trữ nhiều, chính yếu là dưới dạng mỡ.

Những người sau đây dễ bị mập phì:

  • Ít hoạt động thể lực, làm việc nhẹ, lối sống ít năng động.
  • Ăn những thức ăn có nhiều năng lượng: dầu mỡ, đồ chiên, thức ăn ngọt…
  • Sống tại các đô thị.
  • Tuổi trung niên (sau 40 tuổi).
  • Phụ nữ sau khi sanh, đặc biệt nếu không nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Con cái trong gia đình có cha mẹ mập phì.
  • Những người có sự thay đổi đột ngột về chế độ ăn uống, từ ăn uống kham khổ chuyển sang ăn uống dư thừa.

Ngoài ra có những người ăn ít nhưng vẫn mập vì trong người có sự yếu kém về cơ chế biến dưỡng (metabolism) từ thức ăn ra năng lượng.

Một người muốn xuống 1 pound thì phải ăn bớt khầu phần thức ăn tương đương với 3.500 Calori. Nếu muốn xuống 1 pound mỗi tuần thì phải ăn bớt đi 500 Calori/một ngày. Điều này có thể thực hiện được bằng cách ăn ít lại hoặc tập thể dục nhiều hơn, hoặc vừa ăn ít vừa tập thể dục thì càng tốt. Muốn tiêu hao 500 Calori thì một người phải chạy bộ (jogging) khoảng 45 phút, chơi tennis 1 tiếng đồng hồ, hoặc đi bộ nhanh ( brisk walk) khoảng 1 tiếng 15 phút.

Phần đông người ta bắt đầu xuống cân nếu ăn dưới 1.500 Calori/một ngày đồng thời tập aerobic exercise từ 15 phút tới 20 phút, 3 tới 4 lần một tuần.

Để tránh mập phì hoặc làm xuống cân, vấn đề chính yếu vẫn là chế độ ăn uống hợp lý và giữ một nếp sống năng hoạt động (vận động, thể dục…)

Sau đây là một số nguyên tắc ăn uống hợp lý để xuống cân tiêu mỡ:

  • Giảm bớt lượng thức ăn nhiều năng lượng như cơm, mì, bún, phở…; tránh ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ như chiên hoặc xào; tránh đồ ăn ngọt như chè, kem, nước ngọt, bánh kẹo ngọt…; tránh uống rượu, bia…
  • Ăn thức ăn luộc, hấp thay vì chiên xào.
  • Ăn nhiều rau hơn để no bụng nhưng lại thấp năng lượng ít Calori.
  • Nếu có ăn thịt thì nên ăn thịt nạc mà thôi.
  • Nếu có uống sữa thì nên uống loại non fat không chất béo; tránh dùng sữa đặc có đường.
  • Trước bữa ăn, có thể uống một ly nước, ăn một chén canh, một đĩa rau luộc, hoặc một trái dưa leo trộn với sà lách,… tạo cảm giác no để giảm lượng thức ăn ăn vào.
  • Ăn chậm, nhai kỹ thường giúp giảm số lượng thức ăn.
  • Nên ngưng ăn trước khi có cảm giác no quá vì bao tử thật sự no rồi nhưng 20 phút sau óc chúng ta mới nhận được tín hiệu từ bao tử là “no rồi”.
  • Ăn đều đặn không bỏ bữa. Các bữa ăn nhỏ đều đặn chống lại cảm giác đói vì cảm giác đói làm cho người ta không tuân theo các nguyên tắc ăn uống hoặc sẽ ăn quá nhiều vào một bữa dẫn đến sự tích tụ mỡ nhiều hơn trong cơ thể. Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm buổi chiều và hạn chế ăn tối. Nên ăn bữa tối cách từ 2 đến 3 tiếng trước khi đi ngủ để thức ăn có đủ thời gian tiêu hóa và chuyển hóa ra năng lượng.
  • Ăn xong nên rời bàn ngay để tránh cám dỗ ngồi ăn tiếp.
  • Sau khi ăn xong, nên đi đi lại lại trong nhà hoặc đi bộ để thức ăn dễ tiêu hóa và mau chuyển hóa ra năng lượng.
  • Sau khi ăn, nếu muốn đọc sách báo, học bài thì nên chờ khoảng 30-45 phút để bao tử có thời gian làm tiêu hóa thức ăn.
  • Nếu thích ăn vặt thì chỉ nên ăn những thức ăn ít năng lượng như trái cam, táo, mận, đào, bưởi, đu đủ, cà chua, củ cà rốt…; tránh ăn kem, chè, bánh kẹo, nước ngọt…
  • Bớt dự các đám tiệc tùng không cần thiết.

Nếu muốn xuống cân tiêu mỡ phải có một ý chí quyết tâm thực hiện những điều trên và nên có một cái cân digital hiện lên con số để theo dõi cân lượng hàng ngày vì cân digital rất nhậy bén chỉ cần lên xuống nửa pound là biết ngay.

 


DR. PHẠM HOÀNG TRUNG
9822 Bolsa Ave. Suite E – Westminster, CA 92683 – USA